Trong buổi hội thảo giới thiệu về TV QLED 2018 và xu hướng người dùng tại Việt Nam, ông Simon Sim, Giám đốc ngành hàng thiết bị hình ảnh khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, đã chia sẻ khảo sát cho thấy người dùng đang ngày một chuộng TV kích thước lớn hơn, độ phân giải 4K và đặc biệt là chất lượng hình ảnh tốt đi kèm với mức giá hợp lý.
Thị trường Việt Nam đang phát triển mạnh
Tại thị trường Việt Nam, chuyển dịch nhu cầu người dùng đang thay đổi khá rõ rệt, kích thước TV đang ngày một lớn hơn, người dùng muốn màn hình to để tăng trải nghiệm, tăng sự thỏa mãn khi xem truyền hình và video, kích thước 55 inch giờ đang rất phổ biến, Theo đó, phân khúc TV có kích thước 55 – 65 inch đang tăng đến 56% mỗi năm. Còn ở phân khúc cao cấp với những dòng TV 75 inch thì tăng đến 58% mỗi năm.
Đi cùng với kích thước lớn là độ phân giải cao, thị phần TV 4K đã tăng 39% từ năm 2017 đến năm 2018. Và theo khảo sát thì 40% người dùng sẽ lựa chọn và thích TV 4K hơn so với TV Full HD. Điều đó cho thấy nhu cầu thưởng thức trải nghiệm nội dung 4K, với độ chi tiết và sắc nét cao đang ngày một tăng lên rõ rệt.
QLED TV 2018 sẽ tiếp tục dẫn đầu?
Đối với TV QLED, Samsung khẳng định vị thế của hãng khi sẵn sàng cho những thay đổi mới, những bước tiến vượt bậc về công nghệ hình ảnh, thiết kế và tính năng kèm theo. QLED TV 2018 đang vượt lên dẫn đầu khi mang đến cho người dùng nhiều tính năng hữu ích và thú vị như HDR 10+ hay là Ambient Mode.
Trong buổi hội thảo, đại diện của Samsung, đến từ Singaopre đã trình diễn demo và giới thiệu những tính năng nổi bật nhất. Trong đó đáng chú ý là cả so sánh về chất lượng hình ảnh và khả năng hiển thị hình ảnh khi chơi game. Game Mode là một điểm sáng của QLED 2018, với input lag cực kỳ thấp, khi so sánh trực tiếp thì thấp hơn 30% so với chiếc TV OLED cùng loại. Đây là điều rất quan trọng khi các game thủ có thể kết nối TV và thiết bị chơi game (như Playstation hoặc X Box) để có được trải nghiệm màn hình lớn, không gian rộng mà không lo lắng về tình trạng giật lag của màn hình.
Điểm nổi bật khác là thiết kế một dây, One Invisible Connection, đây có thể nói là điểm khác biệt lớn nhất của Samsung so với những hãng khác, thiết kế tinh gọn, đẹp mắt, gây ấn tượng mạnh cho người dùng. Chế độ Ambient Mode tùy chỉnh cũng là điểm thú vị khi có thể biến TV thành bức tranh treo tường đẹp mắt, ngay cả khi TV tắt.
Trong buổi trình diễn, Samsung còn so sánh trực tiếp dòng QLED 2017 và QLED 2018 để thấy được sự nâng cấp về công nghệ tấm nền lên full-array đã làm thay đổi chất lượng hình ảnh như thế nào, màu sắc cải thiện, độ sâu màu, màu đen cực tốt, độ tương phản cao … tất cả tạo nên hình ảnh tổng thể hoàn thiện, ưa nhìn và rất đẹp, đẹp hơn hẳn so với trước đây, nhất là ở những dòng đầu bảng như Q8F, Q9F.
Bên cạnh đó HDR 10+ khi được trình diễn đã cho thấy sự khác biệt rõ nét, trong đó Samsung lần này cho phép người dùng tùy chọn bật hoặt tắt HDR real time ngay trong lúc xem, người dùng có thể bật tắt để thấy sự khác biệt, chứ không tự động nhận HDR và auto bật như trước đây.
Một điểm nữa giúp gia tăng trải nghiệm khi xem TV QLED 2018 là tùy chỉnh âm thanh theo mong muốn, mỗi chương trình, mỗi kênh, mỗi video, mỗi phim có độ to khác nhau. Người dùng có thể tùy chỉnh độ to cố định của TV, khi đó mỗi lúc chuyển kênh hoặc chuyển sang xem video, xem phim sẽ vẫn giữ nguyên độ to âm thanh, không cần phải chỉnh lại như thông thường. Đây là những tính năng tuy nhỏ nhưng rất hay của Samsung.
Hệ điều hành Tizen kết hợp với Smart Thing mang đến tương lai cho TV Samsung, khi trang bị nhiều tính năng thông minh, kết nối nhiều thiết bị. Hoàn toàn có thể điều khiển, truy xuất dữ liệu, đưa lên TV, hoặc dùng TV điều khiển nhiều đồ dùng khác trong nhà. Đây là một nền tảng của tương lai mà Samsung muốn hướng tới có toàn bộ người dùng của mình.
Tương lai của TV sau QLED
Đáng chú ý, trong buổi hội thảo, ông Simon đã nói về tương lai của TV sau QLED, với những công nghệ mới nhất, đột phá nhất.
Sau QLED, Samsung sẽ rẻ theo 2 nhánh, một nhánh tiếp tục đưa QLED lên đỉnh cao với những hoàn thiện mới, nâng cấp mới. Một nhánh sẽ phát triển công nghệ tấm nền mới micro-LED, công nghệ bóng đèn tự phát sáng giống như OLED nhưng lại tiên tiến hơn, loại bỏ hoàn toàn những khuyết điểm cố hữu của TV OLED như độ bền và hiện tượng lưu hình.
Micro-LED đã được giới thiệu tại CES 2018, nhưng để thương mại hóa còn cần thêm thời gian. Bên cạnh đó, tạo ra TV micro-LED dạng module có kích thước nhỏ, linh hoạt trong lắp ghép cũng là tham vọng lớn của hãng, nhất là việc gia tăng công nghệ để hạ giá thành.